Chuyển đến nội dung chính

Hướng dẫn cách ứng dụng 3 tầng giá trị của sản phẩm vào content Marketing

  3 TẦNG GIÁ TRỊ CỦA SẢN PHẨM VÀ CÁCH ỨNG DỤNG CHÚNG VÀO CONTENT MARKETING! Trước khi viết một bài content, nhất là cho một sản phẩm cụ thể, mình thường không bắt đầu bằng câu hỏi “viết sao cho hay?”, mà đơn giản hơn: “Sản phẩm này đang giúp ai, trong chuyện gì?” Khi mình biết rõ nó đang giúp ai, thì mình sẽ biết nên viết cho ai, và viết tới đâu là vừa đủ. Còn nếu không rõ, thì dù viết đúng công dụng "chung chung", bài vẫn dễ bị trôi. Không sai, nhưng cũng không chạm chính xác vào ai cả. Mỗi sản phẩm có nhiều kiểu người dùng – không chỉ một Thường thì ai cũng có trong đầu một hình dung chung về 1 tệp khách hàng rộng Nhưng thật ra, trong nhóm đó lại có nhiều kiểu người nhỏ hơn, với nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như cùng là dầu gội thiên nhiên: • Có người chọn vì tóc rụng nhiều • Có người vì da đầu nhạy cảm • Có mẹ sau sinh chỉ dám dùng đồ lành tính • Có người thì đơn giản là vì họ thích những thứ không mùi, không nhiều hoá chất công nghiệp Nếu mình chỉ viết một kiểu bà...

Thuyết minh về hình tượng con tàu, sân ga trong thơ Xuân Quỳnh

Thuyết minh về hình tượng con tàu, sân ga trong thơ Xuân Quỳnh

Dàn ý :

Thơ của Xuân Quỳnh thường mang đến những hình ảnh sâu sắc, phong cách và ý nghĩa sâu xa, và hình ảnh về con tàu, sân ga không phải là ngoại lệ. Thông qua việc thuyết minh về hình tượng này trong thơ của Xuân Quỳnh, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ này muốn truyền đạt.


Hình Ảnh về Con Tàu:


Biểu Tượng Hành Trình và Cuộc Sống:

   - Con tàu thường được coi là biểu tượng của hành trình, cuộc sống và sự di chuyển của con người trong thơ của Xuân Quỳnh. Nó không chỉ là một phương tiện vận chuyển mà còn là biểu tượng của sự đi tìm, khám phá, và trải nghiệm cuộc sống.


Tình Cảm và Sự Chia Ly:

   - Hình ảnh con tàu cũng thường gắn liền với tình cảm, đặc biệt là tình cảm chia ly. Khi con tàu rời cảng, nó thường mang theo nỗi nhớ, sự mất mát, và lòng biệt ly. Đây có thể là biểu hiện của sự chia tay, xa cách, hay cuộc chia ly vĩnh viễn.


Hình Ảnh về Sân Ga:


 1. Điểm Xuất Phát và Kết Thúc:

   - Sân ga, nơi con tàu xuất phát và kết thúc, thường được thể hiện như một nơi quan trọng trong thơ của Xuân Quỳnh. Nó là điểm xuất phát của những cuộc hành trình, nơi mà những câu chuyện mới bắt đầu, và đồng thời là nơi chấm dứt, khi một cuộc hành trình kết thúc.


 2. Khung Cảnh Nỗi Nhớ và Hy Vọng:

   - Sân ga thường là nơi của kí ức và nỗi nhớ. Đó có thể là nơi những người chia tay, hay nơi hy vọng đợi chờ. Những tình cảm và khung cảnh này thường được thể hiện một cách sâu lắng và đầy cảm xúc trong thơ của Xuân Quỳnh.


Kết luận


Hình tượng con tàu và sân ga trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ là những hình ảnh đơn thuần, mà còn là những biểu tượng sâu sắc về cuộc sống, tình cảm, và sự chia ly. Xuân Quỳnh đã tận dụng những hình ảnh này để truyền đạt những ý nghĩa lớn lao về sự hành trình, tình cảm con người, và những thăng trầm của cuộc sống. Hình ảnh này không chỉ tạo nên vẻ đẹp nghệ thuật mà còn chứa đựng sâu sắc những tâm tư, tư tưởng về cuộc sống và tình yêu.


Bài văn mẫu Thuyết minh về hình tượng con tàu, sân ga trong thơ Xuân Quỳnh 

Nhắc đến hình tượng thuyền và biển trong thơ văn, không ai không nhắc tới Xuân Quỳnh. Nhưng có lẽ nhiều người không ngờ rằng, có một hình tượng được nhà thơ nhắc tới nhiều hơn cả là hình tượng con tàu - sân ga. Chưa từng thấy nhà văn, nhà thơ nào của Việt Nam (có lẽ trên thế giới cũng vô cùng hiếm) lại nhắc đến hình tượng này nhiều như Xuân Quỳnh. Chị có trên mười tập thơ, nhưng chỉ mới xét trong năm tập là: "Chồi biếc", "Gió Lào cát trắng", "Lời ru trên mặt đất","Sân ga chiều em đi","Tự hát", ta thấy số lần xuất hiện của hình ảnh này như sau: Con tàu được nhắc tới 164 lần. Các hình tượng khác có liên quan như: Sân ga, đường ray, tiếng còi... được nhắc tới 106 lần. Nhiều nhất ở trong tập "Sân ga chiều em đi", các hình tượng này được nhắc tới 108 lần. Quả là hiện tượng hiếm thấy, điều gì đã ám ảnh nhà thơ như vậy? Hình ảnh đó được thể hiện trong thơ Xuân Quỳnh như thế nào và qua đó, ta hiểu được gì tâm tư của chị? Đấy là những điều mà bài viết này muốn làm sáng tỏ.




Xuân Quỳnh sinh ngày 6 - 10 - 1942, mất ngày 29 - 8 - 1988. Gần như nhà thơ đã sống trọn đời trong thời kỳ hào hùng, sôi nổi nhất của cách mạng Việt Nam. Chị đã thực sự hòa mình vào phong trào cách mạng, đã có thời gian làm văn công rồi biên tập sách báo, được đi thực tế nhiều nơi trong nước và cả nước ngoài, đạt nhiều thành quả trong công tác. Vốn quan tâm tới thời cuộc và có trái tim đa cảm nên hầu như không có sự kiện nào diễn ra trên đất nước mà chị làm ngơ được. Chị đã nhiều lần chứng kiến cảnh tiễn đưa thanh niên miền Bắc vào Nam chiến đấu và đã có biết bao nhiêu thanh niên xung phong đi khai phá những miền đất mới. Những con tàu cứ hối hả đi - về, những tiếng còi tàu giục giã bao trái tim người. Sân ga đã trở thành nhân chứng cho những cuộc chia ly màu đỏ đầy cảm động:

 

Em tiễn anh ra ga

Giữa mịt mù bụi vôi, gạch vỡ

Em chẳng biết nói lời thương nhớ

Tàu chạy rồi bỡ ngỡ vẫy bàn tay.

                                                               (Hát với con tàu)

Cũng trên "con đường ga cát bụi", người thì hồi hộp chờ đến lúc ra đi, kẻ thì mòn mỏi trông người thân trở về. Cũng có người vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại và hình ảnh tiễn đưa ngày nào với khuôn mặt người thân, với con tàu, sân ga mãi mãi trở thành kỷ niệm không thể phai mờ trong lòng người ở lại. Xuân Quỳnh cũng lo theo cái lo của người đồng chí, người yêu, người vợ trong những lần đưa tiễn. Rồi đến lượt chị cũng hồi hộp trong tư thế của người ra đi thực hiện những nhiệm vụ cách mạng giao:

 

Sân ga chiều em đi

Bàn tay da diết nắm

Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã Nam, đã Bắc.

                                                            (Sân ga chiều em đi)

Vốn là một nghệ sĩ đa cảm, chị làm sao hờ hững với những hình ảnh quen thuộc đó. Hình ảnh con tàu, sân ga, tiếng còi tàu không chỉ là hình ảnh thường trực trong tâm trí chị mà nó cũng là hình ảnh rất quen thuộc với người dân miền Bắc lúc bấy giờ. Hình ảnh con tàu to lớn, kỳ vĩ rất phù hợp khi liên tưởng so sánh với lý tưởng của thời đại. Sân ga là chỗ đông người, nơi quần chúng thường tụ hợp với nhau, một hình ảnh rất quen thuộc thời chiến tranh. Đặc biệt, nhịp đập dồn dập, rộn rịch của con tàu cũng rất ăn khớp với cuộc sống khẩn trương, sôi nổi hào hùng của con người thời đó:

 

Bao lớp trẻ áo màu bộ đội

Nhịp tim rung cùng với nhịp con tàu

                                                          (Hát với con tàu)

Hình ảnh con tàu - sân ga vì thế trở nên quen thuộc, rất khó quên trong tâm trí những con người thời chiến và buổi đầu xây dựng XHCN. Trong "Bài thơ không lời", Nguyễn Trọng Oánh cũng có cảm tưởng như vậy khi ông viết: "Dẫu cho ai có mong chờ / Tôi không dám ước ai chờ đợi tôi / Sân ga vang một tiếng còi / Khói bom ấy với bầu trời ngổn ngang / Hòa vào dòng lá ngụy trang / Tôi đi, mất hút trong hàng bóng tôi / Bài thơ từ đó không lời / Tôi mang theo, suốt một đời làm thơ". Trong văn học Xô-viết có nhiều tác phẩm mà trong đó, hình ảnh con tàu, sân ga, đường ray, tiếng còi tàu... trở nên khó phai mờ trong tâm trí của nhân vật cũng như độc giả. Chẳng hạn như: "Người mẹ", "Thép đã tôi thế đấy", "Người thầy đầu tiên", "Trở về"... Đặc điểm con tàu thời đại cách mạng là sôi động hào hùng, nó khác với những con tàu trước cách mạng thường đơn điệu, buồn chán, thiếu sức sống: "Anna Karenina" (L.Tolstoi), "Sách" (Gorki)...

Trên đây, ta đã khảo sát số lần xuất hiện cũng như lý giải hiện tượng lặp đi lặp lại hình ảnh con tàu - sân ga. Tiếp theo sẽ tìm hiểu những đặc điểm nổi bật của hình tượng đó cùng với những tâm tư, tình cảm của Xuân Quỳnh thông qua nó. Vốn là người đa cảm, hay trăn trở việc đời, cô thiếu nữ Xuân Quỳnh đêm đêm thường thao thức nghĩ về con tàu:

 

Em nằm em chẳng ngủ

Nghĩ  con đường về xa

Nghe con tàu ngoài ga

Biết bao điều trông đợi.

                                                       (Mười bảy tuổi)

Xuân Quỳnh lúc nào cũng "Nôn nao theo những con tàu". Vì trước hết, nó là hiện thân cho một thế giới mới lạ đầy sức hấp dẫn dưới mắt trẻ thơ ( cho nên "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam thích chờ tàu là do vậy). Xuân Quỳnh tâm sự:

 

Tuổi thơ nào chẳng có

Tiếng gọi những toa tàu

Núi cao và rừng sâu

Giấu bao điều kỳ lạ

                                                      (Hát với con tàu)

Khi lớn lên, cái háo hức ấy gắn liền với bổn phận công dân. Chị ra đi tham gia các hoạt động cách mạng cũng đồng thời để thỏa lòng khát khao muốn hiểu biết "Những phương trời chưa tới", đó cũng là động lực để con tàu của chị đi khắp bến bờ mơ ước:

 

Nếu không gian là bể

Hè phố như con tàu

Chở đời ta đi khắp

Những bến bờ khát khao.

                                                        (Thơ trên gạch lát)

Cô gái trẻ có vẻ thích thú với với những hành động ly kỳ mạo hiểm của cuộc đời người lính chiến, dẫu đó là con đường đầy gian khó:

 

Em ước sao chúng ta được đi cùng

Chặng đường ấy trên con tàu kháng chiến

Tàu không đèn, lá ngụy trang phủ kín

Trong im lìm cảnh giác của ban đêm

(...) Con tàu đi bên màu xanh quyết liệt

Bỏ qua ngàn cái chết phía sau lưng

                                                                 (Hát với con tàu)

Nhưng cuộc chiến tranh nào cũng có sự trả giá, Xuân Quỳnh chứng kiến có những người con gái yêu thiết tha "con tàu kháng chiến" ấy đã hy sinh. Vị trí chôn cất đồng đội cũng gợi trong lòng nghệ sĩ một tứ thơ:

 

Chắc hiểu cô muốn ngắm con tàu

Nên đồng đội chôn cô bên đường sắt

                                                                 (Kỷ niệm về những bông lau)

Rồi Xuân Quỳnh lại háo hức bước lên con tàu kiến thiết Tổ quốc. Vì trước mắt chị, có biết bao nhiêu thành phố, xóm làng, những công trình đang chờ người đến góp tay xây dựng:

 

Con tàu qua thăm thẳm đêm sâu

Bao thành phố, bao xóm làng thức đợi.

                                                                   (Hát với con tàu)

Miền đất nào chị cũng gắn bó chân thành bởi vì ở đấy, mồ hôi chị đã đổ xuống. Chị từng chia sẻ bao vui buồn, sướng khổ với nhân dân trong những ngày tháng gian nan nhất:

 

Bốn phương đâu cũng quê nhà

Như con tàu với những ga dọc đường

                                                                 (Lời ru trên mặt đất)

Ở đây, mối quan hệ giữa con tàu và sân ga được ví như mối quan hệ máu thịt giữa bản thân chị với vùng đất chị đến. Con tàu vì thế rất gần gũi với đời thường, không tách rời sân ga cũng như chị không thể tách rời nhân dân:

 

Mùa xuân đất nước mênh mông

Con tàu đi giữa muôn lòng yêu thương.

(...) Nơi nào cũng muốn là ga

Một bàn tay vẫy thiết tha con tàu.

          (Hát với con tàu)

Một bên là hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống, một bên là hình ảnh bay bổng, lãng mạn của cô gái mới bước vào đời. Nhưng cả hai không mâu thuẫn mà kết hợp với nhau như hai hình ảnh con tàu - vầng trăng không thể xa lìa:

 

Con tàu đi cùng với vầng trăng

Cùng với những cánh rừng trụi lá.

                                                             (Hát với con tàu)

Con tàu lạc quan hay cô gái trẻ lạc quan? Lúc này, cô gái đã hóa thân vào con tàu, và con tàu với thi sĩ chỉ là một:"Em khác chi con tàu / Nay đây rồi mai đó" (Con tàu).Cô thanh niên xung phong đã ký thác cuộc đời mình vào con tàu. Giờ đây, "Con tàu" đã được nhân cách hóa để chỉ tâm tình của cô gái. Nó là con tàu tình yêu, nỗi nhớ càng cao thì con tàu càng nặng:

 

"Tàu hôm nay nặng thêm

Khách trên tàu chẳng biết

Mà ở nơi xa kia

Có mình anh hiểu hết"

"Con tàu nhằm phía trước lao đi

Còn nỗi nhớ cứ ngược chiều quay lại".

Thật là một hình ảnh độc đáo hiếm thấy trong thơ ca. Con tàu ở đây vừa có chí khí và hoài bão vươn lên cống hiến cho đời vừa biết đến ân nghĩa, tình thương. Tàu càng đi xa chừng nào thì nỗi nhớ càng da diết chừng ấy. Hướng đi của con tàu và chiều của nỗi nhớ ngược nhau nhưng lại cùng nằm trên một phương của đường ray và mức độ của chúng tỉ lệ thuận với nhau. Có nghĩa là: Ý chí càng lớn lao thì tình cảm càng mãnh liệt. Đó cũng là sự thống nhất giữa tình yêu và lý tưởng trong con người của Xuân Quỳnh. Có lẽ chưa có nhà thơ nữ nào dám ví mình với con tàu như Xuân Quỳnh đã mô tả dưới đây:

 

Tàu hãy mang dùm nhau

Tình yêu và nỗi nhớ

(...) Gửi nhịp của trái tim

Trong máy kêu dồn dập

Gửi tiếng nói tâm tư

Trong rì rầm bánh sắt.

                                                                  (Con tàu)

Quả là một cách so sánh táo bạo. Tiếng máy của tàu lửa dữ dội và mạnh mẽ đến thế nào thì nhịp đập của trái tim cô gái cũng lớn như thế đó. Đầu máy đi qua, ta có thể nghe rõ tiếng bánh sắt rì rầm lăn trên đường ray dài đằng đẵng, đó chính là tâm tư của cô gái gửi tới người yêu. Cũng vì quá gần gũi, gắn bó với con tàu nên sau này nó sẽ trở thành kỷ niệm không thể mờ phai trong cuộc đời chị:

 

Tuổi thanh niên em có những con tàu

Để khao khát, để thương và để nhớ.

                                                                  (Hát với con tàu)

Hình ảnh con tàu trong thơ Xuân Quỳnh thật sinh động và giàu sức biểu cảm. Đó là hiện thân của Xuân Quỳnh như có người nói: "Thực ra, thơ với đời Quỳnh chỉ là một". Nhưng hình ảnh con tàu không phải lúc nào cũng là hiện thân của nữ thi sĩ mà có lúc nó là hình ảnh người thân của chị. Người đó có thể là anh bộ đội trong binh chủng phòng không không quân, hoặc có thể là những đồng chí, bạn bè nào đó của chị. Lúc này, con tàu mang hình bóng của người chiến sĩ. Khi đi xa, nó trở thành kỷ niệm canh cánh trong lòng người ở lại:

 

Em lại nghĩ đến điều anh nói

Về nhà ga, về những con tàu.

                                                                 (Hát với con tàu)

Người con trai được ví như con tàu, người con gái ví mình như sân ga, điều đó thật hợp lý. Nhưng người ra đi không phải là bướm giang hồ nhạt nhẽo, người ở lại không phải là hoa trông chờ rồi thất vọng. Mà người ra đi (tức con tàu) là hiện thân của người sống có lý tưởng, có tình nghĩa. Đồng ý rằng người con trai với con tàu là một nhưng thay vì nói "thương anh", nữ thi sĩ lại nói: "Đêm giá lạnh thương con tàu lầm lụi". Hình tượng con tàu được nhân cách hoá rất nhiều lần để chỉ tình cảm con người:"Cũng như tàu lưu luyến trăm ga", "Về con tàu nhớ đoạn đường ray","Có khi tàu ngẩn ngơ / Trước một màu hoa tím","Tôi nghe tiếng con tàu reo hát / Và tiếng hàng cây bắt nhịp rộn ràng", "Nghe niềm vui rạo rực dưới
chân / Nghe trong máu tiếng con tàu réo gọi
"...

Con tàu luôn thường trực thúc giục những thanh niên năng động, có khát khao đóng góp cho đời. Cho nên, chiến tranh vừa kết thúc, bao năm tháng đợi chờ đã hết, nhưng cô gái vừa mới kịp "nói với anh lời thứ nhất" thì:

 

Lúa đã gọi triệu tay liềm đến gặt

Tiếng còi tàu giục giã chuyến đi xa.

                                                                        (Một năm)

Giờ đây con tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới: lao động sản xuất để xây dựng đất nước. Không lúc nào ngơi nghỉ, không lúc nào lãng quên nhiệm vụ, đó là đức tính của một người công dân tốt. Cho nên ngay cả đêm cuối năm, nhiều người tạm quên đi công việc để hớn hở đón xuân sang, nhưng trong không khí hạnh phúc đó, hình ảnh con tàu lại hiện ra như thường trực nhắc nhở nghĩa vụ  công dân:

 

Ở ngoài kia đường phố

Màu áo chen màu hoa

Anh có nghe ngoài ga

Tiếng con tàu đang gọi

                                                                 (Đêm cuối năm)

 Tiếng còi tàu ở đây như một lời hiệu triệu thúc giục của Đảng kêu gọi mọi người lên đường tham gia vào công cuộc xây dựng Tổ quốc. Sự liên tưởng như vậy không phải lạ lẫm. Trước đó trong tập "Từ ấy", Tố Hữu đã từng ví tiếng còi tàu như tiếng gọi của Đảng: "Có một tiếng còi xa trong gió rúc". Có lẽ đó là tiếng còi đầu tiên báo hiệu thời đại cách mạng mới. Sau này, Chế Lan Viên lại nhắc đến con tàu trong lĩnh vực xây dựng Tổ quốc trong bài "Tiếng hát con tàu": "Khi lòng ta đã hóa những con tàu / Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát / (...) Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi ?...". Còn Xuân Diệu thì ví: "Tổ quốc tôi như một con tàu" v.v... Việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ "Con tàu Việt Nam" mang những phẩm chất cách mạng hào hùng là một biện pháp nghệ thuật khá phổ biến trong văn học Việt Nam, trong đó, người sử dụng nhiều nhất là Xuân Quỳnh

Nhưng hình ảnh con tàu trong thơ Xuân Quỳnh không phải lúc nào cũng mang cảm hứng công dân. Ở trên, ta thấy chị từng nói đến những con tàu tuổi thanh niên sôi động vui tươi. Nhưng có lúc chị miêu tả con tàu ấy bằng một giọng điệu buồn bã, cô đơn:

 

Tuổi thanh niên tôi có những con tàu

Nằm trống lạnh không còi, không ngọn khói

Những nhà ga lau sậy um tùm

Những nhà ga gạch lát im lìm

Không ai ra đi, không ai trở lại

Không kẻ tiễn đưa, không người ngóng đợi

Chỉ con đường vời vợi nhớ sang sông

Bao nỗi đau thời đất nước cách ngăn

Có nỗi đau một con tàu đứng sững

                                                                        (Hát với con tàu)

Ta có thể hiểu đây là con tàu Thống Nhất, lúc đất nước chia cắt thì nằm im lìm trong nỗi buồn ly biệt. Nhưng trong bài "Một ngày đi" viết trước 1975, tác giả lại miêu tả đó là con tàu đang vận động hướng về Nam:

 

Bởi tình yêu không thể gì chia cách

Tôi đã nghe tiếng bánh xe xình xịch

Dẫn tới miền Nam, ơi những con tàu

                                                                           (Một ngày đi)

Tâm tình của nữ thi sĩ đối với con tàu rất đa dạng, đủ mọi cung bậc và thể hiện khá tinh vi. Có khi, chị trăn trở sợ một ngày nào đó, nhất là khi cuộc sống quá bình yên, con người bỗng trở nên vô cảm, lúc đó:

 

Lời nói tâm tình trở nên nhạt nhẽo

Nghe tiếng con tàu em không thể hiểu

Tấm lòng anh trong những chuyến đi xa

Em không còn thấy nhớ những sân ga.

                                                              (Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Nếu một ngày kia, tình yêu của họ thiếu đi chất lãng mạn do cô gái vun đắp thì điều bất hạnh sẽ ập đến. Con tàu sẽ không còn mang hình ảnh của người yêu, nó sẽ trở nên xa lạ và vì vậy mà cô gái không thể hiểu được nó. Sân ga cũng không còn được xem là người con gái (vì đâu còn liên hệ với con tàu - người con trai). Kỷ niệm xưa của hai người sẽ đi vào quên lãng. Nhưng may thay, đó chỉ là giả thiết phản ánh một tâm trạng nhất thời của cô gái, chứ không bao giờ trở thành hiện thực. Và hình ảnh con tàu - sân ga vẫn mãi mãi là biểu tượng giàu chất thơ để làm đẹp thêm mối tình của đôi trai gái.

 

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh.

                                                                    (Tự hát)

Cả bài thơ thiên về khai thác tâm trạng riêng tư, hình ảnh con tàu ở đây nằm trong cảm hứng trữ tình cá nhân. Nó chỉ là một cách nói hình ảnh để bộc lộ tâm trạng lo âu phấp phỏng và có một chút yếu đuối bơ vơ của người phụ nữ trong tình yêu. Nhưng nó không mang âm hưởng sầu bi vô vọng như trong nhiều tác phẩm thi ca lãng mạn: "Tàu về rồi tàu lại đi / Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga"(Ngân Giang).

Để góp phần thể hiện khát vọng đi xa của mình, Xuân Quỳnh đã sử dụng nhiều hình tượng nghệ thuật khác nhau như: con đường, biển, sóng, gió, mây... Trong thơ Xuân Quỳnh ta gặp rất nhiều từ ngữ chỉ phương tiện giao thông như: tàu lửa, tàu điện, tàu thuỷ, tàu vũ trụ, ô tô, xe đạp, phà, thuyền... Và chị cũng sử dụng với mật độ cao các từ chỉ vận động như: đi, về, đến, tới, chạy, qua, ra, xuôi, ngược, trở lại... Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Quỳnh sử dụng nhiều hình ảnh con tàu - sân ga, bởi vì chỉ có nó mới thể hiện được cuộc sống sôi động của con người thời chiến tranh và buổi đầu khôi phục đất nước. Việc sử dụng hình tượng đó cũng phù hợp với một nét cá tính của nữ thi sĩ là sôi nổi, cuồng nhiệt, táo bạo trong tình yêu cũng như trong hoạt động xã hội (nhưng đó là cái "bạo rất trong" - Hoài Thanh). Chính chị cũng đã khẳng định điều ấy trong cuộc gặp gỡ các nhà thơ Á - Phi tại Liên Xô (tháng 6 năm 1978): "Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định, rồi là một hành động khai sinh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, nhu cầu nối liền mình với đồng loại, với các sự vật vũ trụ và thời gian". Như vậy, Xuân Quỳnh làm thơ là để tự thể hiện mình, thể hiện một tính cách sôi nổi trong công việc xã hội, táo bạo, mạnh mẽ trong tình yêu (lưu ý thêm: cả ba nhà thơ tình lớn đều có cái "Xuân" tình rất mạnh mẽ: Xuân Hương, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh). Ngoài ra, hình tượng con tàu còn cho ta thấy cái "khát vọng đi xa" đến "tận cùng xứ sơ" và đi tới khắp nơi trong vũ trụ để "nối liền mình với đồng loại (cũng như không gian tình yêu bao la trong các bài "Thuyền và biển"; "Sóng"...). Nhưng liệu thi sĩ có đủ thời gian để thực hiện những mơ ước đó không? Ta cũng gặp trong thơ Xuân Quỳnh rất nhiều bài nói đến thời gian xa cách, chia ly, thậm chí đến cả sự chết (ngoài các bài có liên quan tới con tàu, sân ga còn có: Chồi biếc, Những năm tháng không yên, Tự hát, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Thơ tình cuối mùa thu, Thời gian trắng v.v...). Bởi ám ảnh về sự hiện hữu của thời gian trong đời người quá ngắn ngủi mà thi sĩ luôn trăn trở lo âu. Điều đó đã thúc giục chị phải sống hết mình trong hiện tại. Nhờ có động lực đó, chị đã vượt qua được mọi thử thách nghiệt ngã của chiến tranh khốc liệt, của bệnh tật hiểm nghèo để phục vụ đất nước và để đến với tình yêu bằng con tim chân thành, sôi nổi thiết tha. Nhưng tiếc thay, Xuân Quỳnh đã ra đi quá sớm trong một tai nạn giao thông cùng với chồng mình là nhà soạn kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Khi ấy, chị mới 46 tuổi.

Nữ thi sĩ tình yêu lớn nhất trong văn học Việt Nam đương đại đã qua đời nhưng con tim chân thành, thiết tha trong thơ chị vẫn còn đập mãi như biển kia vẫn vỗ sóng đến ngàn năm. Và nhịp đập sôi nổi của con tàu, tiếng còi tàu vang vọng vẫn còn đủ sức lay động, truyền nhiệt huyết cho bao thế hệ kế tiếp phải sống hết mình cho Tổ quốc, cho tình yêu.

 Theo : Phạm Ngọc Hiền 


Thuyết minh về hình tượng con tàu, sân ga trong thơ Xuân Quỳnh 


Có những lúc Xuân Quỳnh không ngại ngần bày tỏ: 

Em khác chi con tàu

Nay đây rồi mai đó 

Nên cả lúc gần anh 

Mà lòng em vẫn nhớ 

(Con tàu) 

Xuân Quỳnh luôn như thế, tình yêu của người phụ nữ này mãnh liệt đến mức không ngần ngại bộc lộ. Nó tự nhiên như hơi thở, như cuộc sống mà nữ sĩ đang sống. Lời thơ như lời nói thông thường mà những cặp vợ chồng thường nói với nhau. Nhưng nó lại là hiện thân của chiều sâu cảm xúc, một khát khao được gần nhau, được cùng nhau đến mức vẫn cứ nhớ nhau lúc đang ở cùng nhau. Tình yêu như hòa vào huyết quản vào nhịp đập trái tim, không phút nào ngừng nghỉ:

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau 

Niềm sung sướng với em là lớn nhất

Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào tim đập chẳng vì anh

(Chỉ sóng và em) 


Có thể thấy thơ giãi bày là xu hướng chủ đạo của thơ Việt Nam sau 1975. Nhưng riêng Xuân Quỳnh, khát vọng giãi bày tình yêu của mình dành cho người yêu, người chồng có lẽ đã trở thành nhu cầu tự nhiên như hơi thở. Xuân Quỳnh giãi bày không phải vì sợ người yêu không hiểu mình mà bày tỏ là để thêm thấu suốt nhau, là để vun đắp thêm cho tình yêu lớn mạnh. Và hơn nữa, qua những lời giãi bày ấy, ta bắt gặp một Xuân Quỳnh rất đặc biệt. Nữ sĩ yêu nồng nàn, mãnh liệt nhưng cũng không kém phần đằm thắm thiết tha. Đây là nét riêng của Xuân Quỳnh một tình yêu rất phụ nữ, rất đáng trân trọng.

Nhận xét