Đây là một câu chuyện ngôn tình làm tôi liên tưởng khá nhiều đến Thứ nữ hữu độc, nhưng tôi đánh giá cao tác phẩm này hơn. Nữ chính Tây Lương Mạt của Hoạn phi thiên hạ là người xuyên không nên tư tưởng tương tự với tôi hơn là Lý Vị Ương. Đặc biệt, ngoài tag xuyên không, cung đấu, trạch đấu, hay cung đình quyền mưu, truyện còn có các tag phụ như sư đồ luyến, đại thúc, incest, và có cả CP bách hợp (Tây Lương Mạt x Tây Lương Nguyệt) cùng đam mỹ (Bách Lý Thanh x Phương Quan)…. Sự khác biệt của thời phong kiến và hiện đại về vai trò của nam và nữ được nhấn mạnh, càng làm nổi bật sự quyến rũ của Tây Lương Mạt và sức hút của truyện.
Thế giới mà Tây Lương Mạt xuyên đến là một thế giới cổ đại phong kiến trọng nam khinh nữ, mạng người như cỏ rác và quyền lực trên hết. Nữ nhân trong mắt nam nhân chỉ là đồ chơi, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, có thể trao đổi vì lợi ích. Do đó sự xuất hiện của Tây Lương Mạt như hòn đá rơi xuống mặt hồ nhìn đang yên ả, kỳ thực đang che giấu vô số quái thú ăn thịt. Nàng mỹ lệ, nàng cường đại, nàng khiến nam nhân yêu không được, hận không xong. Lam Linh, mẫu thân nguyên chủ, chỉ có sự phóng khoáng dương quang khác tiểu thư khuê các đã thu hút bao nhiêu ong bướm. Tây Lương Mạt còn hấp dẫn hơn cả Lam Linh, một linh hồn dị giới đương nhiên sẽ như độc dược chí mạng với vô số nam nhân, lật đổ càn khôn, giảo thiên biến địa.
Tây Lương Mạt kiếp trước có thời thơ ấu khổ cực vất vả. Nàng dùng thủ đoạn và tâm cơ trở thành thư ký của chính khách, tiếp xúc với hai đạo hắc bạch, tàn nhẫn bảo toàn mạng sống. Chủ nhân hy sinh nàng, nàng xuyên về thành đích nữ không ai quan tâm của phủ Quốc công lúc 10 tuổi. Tây Lương Mạt quá mệt mỏi với âm mưu nên không muốn tranh giành gì, chỉ cầu sống an ổn, nên bị bắt nạt nàng cũng không phản kháng. Cho đến khi vì nàng, ma ma và nha hoàn thân thiết bị làm nhục đến chết, nàng mới nhận ra, không phải nàng im lặng trốn tránh là có thể giải quyết. Ta không phạm người nhưng người nhất định phải phạm ta. Tây Lương Mạt hiểu rõ, bắt đầu lên kế hoạch quay mình, lật người, trở nên máu lạnh vô tình, không từ thủ đoạn. Sau đó là quá trình Tây Lương Mạt phát hiện ra đủ loại bí mật cung cấm, chiếm được quyền hành, nắm quyền sinh sát trong tay, trả thù kẻ đối nghịch với nàng, và gặp được người nàng yêu suốt đời suốt kiếp.
Là một người đã trải qua hai kiếp, Tây Lương Mạt bị ảnh hưởng bởi kiếp trước mạnh hơn kiếp này, nên tư tưởng nàng không bị trói buộc bởi phụ tử từ hiếu, hoàng quyền, lễ nghĩa, không câu nệ trinh tiết. Kiếp trước giúp nàng giữ lý trí, nhìn thấu nhân sinh, tạo ra một vẻ vừa gần vừa xa, vừa thiếu nữ trẻ trung lại như trải qua bãi bể nương dâu. Một nét quyến rũ rất riêng của Tây Lương Mạt. Tôi không rõ kiếp trước nàng đã chịu đựng những gì, song hẳn chẳng vui vẻ là bao. Nếu không nàng đã chẳng tỏ ra quen thuộc gió tanh mưa máu, quen thuộc tra tấn bức cung, quen thuộc chơi trò tâm lý. Bàn tay vàng lớn nhất của nàng chính là nàng. Thông minh sáng suốt, khéo léo nhanh nhạy, lý trí lãnh đạm, hiểu rõ lòng người, kiên cường mạnh mẽ, không chịu lùi bước….. ưu điểm của Tây Lương Mạt có khi kể đến sáng hôm sau vẫn chưa hết. Dựa vào một thân bản lĩnh, Tây Lương Mạt từ một đích nữ đứng tầng chót trong phủ Quốc công, từng bước thành Trinh Mẫn quận chúa, tiểu Đức vương phi, phu nhân của Cửu Thiên Tuế, thống lĩnh quỷ quân Lam gia,…..Những kẻ khinh thường nàng phải quỳ gối thần phục nàng. Những kẻ chống lại nàng chịu kết cục thảm thiết. Tây Lương Mạt giẫm lên vô số sinh mạng, đứng trên đỉnh cao quyền lực mà nàng nhắm tới.
Tây Lương Mạt là một linh hồn dị thế nên bản thân nàng không sợ hãi ma quỷ, vì nàng coi chính mình là ma quỷ. Sự khác biệt của Tây Lương Mạt khiến nam nhân mê muội, tựa như có được nàng là chứng minh quyền lực của mình vậy. Từ Tư Lưu Phong, Tư Thừa Kiền, Bách Lý Hách Vân, Bách Lý Tố Nhi, Tây Lương Tĩnh hay là Chu Vân Sinh, đều ngưỡng mộ khâm phục nàng ở một góc độ nào đó. Kẻ ở phía đối địch thì từ ham muốn chinh phục sang yêu thích, rồi lại yêu sinh hận. Kẻ cùng phía nàng thì tôn trọng nàng, từ ngưỡng mộ chuyển sang yêu thích, và chỉ cầu chúc nàng hạnh phúc. Đừng so Tây Lương Mạt với nữ phụ Trinh Nguyên công chúa. Hai người đều là kiểu nữ tử tham quyền tâm cơ điển hình, nhưng Tây Lương Mạt ở level cao hơn nhiều, nàng chưa bao giờ là quân cờ trong tay người khác như Trinh Nguyên công chúa cả. Điều duy nhất nàng làm mà coi là bất chấp tất cả, chính là bán mình cho Cửu Thiên Tuế Bách Lý Thanh. Đi theo Bách Lý Thanh, nàng đã chuẩn bị tâm lý trở thành đồ chơi bị giày vò. Cái nàng có thể cố là khiến hắn cảm thấy nàng thú vị, để nàng có thể lợi dụng quyền lực của hắn lâu dài hơn nữa. Song lúc nàng nhận Bách Lý Thanh làm sư phụ, hẳn là nàng không nghĩ rằng họ sẽ dây dưa cả đời.
“Vĩnh viễn đừng lừa ta….”
“Đời này vĩnh viễn không lừa dối.”
Sự lý trí là một ưu điểm lớn của Tây Lương Mạt. Dù vậy, có đôi khi tôi thấy nàng thật lạnh lùng ác độc. Nàng có tính nhỏ mọn, mang thù, ai phạm nàng nàng sẽ trả lại gấp bội. Trong đám nam phụ thì có mỗi Chu Vân Sinh ở phe nàng nên được nàng đối xử ôn nhu nhất. Còn lại thì không dưới một lần bị nàng miệt thị, khinh thường. Chuẩn Sát, Tư Thừa Phong hay Tư Thừa Kiền không nói làm gì, chịu đựng những điều có cũng đáng lắm. Tây Lương Tĩnh thì thật đáng thương. Bách Lý Hách Vân còn đáng thương hơn nữa. Tôi hiểu rằng nàng ngoan độc với đối thủ, lại hiểu rõ tình cảm của mấy người này không đơn thuần là yêu, nên ít dây dưa là tốt nhất. Nhưng những lời của nàng thật sự quyết liệt và cay nghiệt. Nó chẳng khác gì giẫm đạp lên tình cảm của người khác, tổn thương vô cùng. Tôi không phản đối cách hành xử này của nàng, nó cũng hợp lý với bản tính vốn có. Tuy nhiên, mỗi lần nam phụ bị ngược, tôi lại cảm thấy như có gai nhọn đâm một chút.
Bách Lý Thanh hơn Tây Lương Mạt 12 tuổi, nổi tiếng là một hoạn quan lấy sắc mị chủ, cầm quyền cao trong thiên hạ, dưới một người trên vạn người. Đặc biệt nhất, vẻ ngoài của Bách Lý Thanh diễm lệ vô song, giống như hồ ly ngàn năm thành tinh vậy, đẹp hơn cả nữ nhân. Bách Lý Thanh có quyền có thế, có mỹ mạo, có võ công, lại đa mưu túc trí, tâm cơ thâm trầm. Nếu không phải hắn giả hoạn quan thì hẳn không ít người mê muội hắn giống Trinh Nguyên công chúa (Phương Quan là M nên bỏ qua đi). Tuy nhiên, Bách Lý Thanh là một kẻ mê người, lại cực kỳ nguy hiểm. Những kẻ trèo cao mơ ước hắn đều không có kết cục tốt. Hắn cuồng vọng, kiêu ngạo. Hắn âm u, tàn nhẫn. Hắn điên cuồng, hỉ nộ thất thường. Hắn có nhiều nét tính cách che lấp đi vẻ ngoài của mình, chỉ còn khí chất của kẻ thượng vị.
Bách Lý Thanh thích ăn hạt dưa. Bách Lý Thanh thích dùng ‘ghế người’ là những thái giám, nô tỳ xinh đẹp. Bách Lý Thanh thích y phục tím và đồ đạc hoa lệ. Bách Lý Thanh thích hành hạ người khác, nhìn người ta vùng vẫy đau khổ. Bách Lý Thanh thích lột da người làm quạt hoặc mặt trống. Bách Lý Thanh “nuôi” một đống kẻ thù để giải khuây. Bách Lý Thanh chưa dùng ‘đao thật súng thật’ nhưng có thể khiến Tây Lương Mạt thể nghiệm niềm vui hoan ái. Bách Lý Thanh phức tạp, lại cũng rất thuần túy.
“Có một số việc, chờ ta nghĩ kỹ rồi lại nói cho ngươi được không? Vi phu hy vọng ở trong mắt ngươi, ta không có gì không làm được.”
“Phu quân của ta, không thể là nam tử yếu đuối vô năng, bị lễ giáo trói buộc, nhưng không cần là anh hùng cái thế không gì không làm được. Chỉ cần bất chấp mưa gió, hắn có thể đồng hành với ta, có thể che gió che mưa cho ta, đừng để ta cả đời tịch mịch, ta cũng có thể sóng vai cùng bước với hắn. Tóm lại là gặp thần giết thần, gặp quỷ giết quỷ”.
“Rất tốt, rất tốt. Tóm lại là đừng để ngươi và ta cả đời tịch mịch. Gặp thần giết thần, gặp ma giết ma”.
Ban đầu lúc xuất hiện, Bách Lý Thanh tạo cảm giác âm u, khó lường. Hắn xuất hiện ở phủ Quốc Công, bắt gặp Tây Lương Mạt giết người diệt khẩu nên nghĩ đùa nàng sẽ rất vui. Sau đó hắn trực tiếp đối mặt nàng ở tiệc du hồ, rồi trong yến tiệc. Mọi âm mưu nho nhỏ của nàng đều bị hắn nhìn ra, nhưng hắn lại ra tay khiến mọi chuyện thông thuận hơn một chút. Kỳ thực, khi sự thật phơi bày, tôi mới thấy Bách Lý Thanh đích thị là hồ yêu, tâm cơ sâu khó dò, giăng sẵn một cái lưới chỉ chờ tiểu hồ ly Tây Lương Mạt nhảy vào. Nhận nàng làm đồ đệ là khởi đầu của tất cả. Hắn đưa các phương thuốc nuôi dưỡng cơ thể tới cho nàng. Hắn trêu chọc nàng, sờ soạng cả người nàng, còn không kiêng nể dùng tay “làm” nàng (do chưa muốn bại lộ hắn không phải hoạn quan). Mọi việc của lặp đi lặp lại vô số lần để nàng quen với cơ thể hắn, quen với sự xuất hiện của hắn, quen với nụ hôn và cái ôm của hắn. Đây là một bố cục tỉ mỉ khiến Tây Lương Mạt không có chỗ trốn do không kịp phòng bị.
Bách Lý Thanh từng cảm nắng trước Lam Linh phu nhân, song sự phản bội sau đó xóa sạch mọi hảo cảm. Đối với Lam gia, Bách Lý Thanh chỉ còn ơn nuôi dưỡng, chứ không còn chút tình cảm nào với Lam Linh. Vì vậy, hắn yêu Tây Lương Mạt thật sự, không di tình, không thế thân. Tây Lương Mạt từng băn khoăn điều đó nên đã hỏi hắn lúc hắn giải độc bằng cơ thể nàng. Tây Lương Mạt là người mắt không thể chứa hạt cát. Nếu Bách Lý Thanh đã từng có người khác, nàng có thể bỏ qua do không muốn nhắc lại quá khứ. Nhưng nếu tình yêu của Bách Lý Thanh không thuần khiết, nàng sẵn sàng chấm dứt tất cả, biến mối quan hệ thành một giao dịch, không hơn.
Bọn họ vốn là kẻ địch, đấu tình, đấu yêu, đấu thủ đoạn, lại không ai có thể rời bỏ ai, đơn giản vì hắn và nàng đều hiểu, ngoại trừ đối phương, trên thế giới này không còn ai càng hiểu mình. Những người quá mức tương tự sẽ có một vài cái gai sắc nhọn, cắt thành vết trên người đối phương, đâm vỡ da thịt, chảy máu tươi, bừa bãi giao hòa trên người đối phương, chảy ra dấu vết đỏ tươi mỹ lệ.
Chỉ có cốt nhục hòa tan như vậy mới khiến trong mắt hắn vĩnh viễn chỉ chứa nàng, trái tim nàng cũng chỉ có thể mở ra vì hắn.
Dục độc chiếm của Bách Lý Thanh rất đáng sợ. Hắn càng muốn chiếm hữu Tây Lương Mạt, muốn giữ nàng bên người mọi lúc mọi nơi, thì càng chứng tỏ hắn để ý đến nàng, yêu nàng rất nhiều. Nguyên do của việc này khá tương đồng với tính thích khống chế tất cả của Bách Lý Thanh. Khống chế tất cả, mọi việc nằm trong tầm kiểm soát, không có biến số, thì sẽ an tâm. Phải, Bách Lý Thanh luôn thiếu cảm giác an toàn. Tỉ mỉ tính toán, hẳn là bắt đầu từ thời thơ ấu tanh máu. Rõ ràng mang dòng máu Hoàng tộc chính thống, con của Hoàng đế Thiên Triều và công chúa Tây Địch, có quyền tranh giành ngôi vị ở cả hai quốc gia, nhưng từ nhỏ Bách Lý Thanh đã phải chịu vô vàn đau khổ. Mẫu thân bị hại chết, phụ hoàng chết, tỷ tỷ nuôi dưỡng lợi dụng hạ độc, vẻ ngoài mỹ lệ trở thành nguyên nhân bị bắt vào cung làm tân sủng của Hoàng đế, người vốn là huynh đệ cùng cha khác mẹ của mình. Anh trai song sinh là Bách Lý Lạc dùng bản thân gánh chịu mọi chuyện thay em trai, khiến tâm tính Bách Lý Thanh càng vặn vẹo hơn, kiên định rằng chỉ có nắm chắc quyền lực mới có thể bảo hộ bản thân và ca ca. Chỉ cần có việc tuột ra khỏi tầm với, hắn sẽ lo lắng sợ hãi. Tây Lương Mạt là một biến số trong kế hoạch của Bách Lý Thanh, do đó mới có thể làm hắn từ hứng thú chuyển sang yêu thương như vậy. Vì thế hắn sợ sẽ mất đi nàng. Hắn sợ nàng sẽ bỏ hắn mà đi. Có rất nhiều bi thương giấu sau sự điên cuồng của Bách Lý Thanh, mà chỉ những người thân cận như Tây Lương Mạt, Lão Y Chính, Lão Ma Vật, Huyết bà bà…mới thấu hiểu.
“Ngươi sẽ không chết. Chỉ cần ta còn ở đây, ta sẽ giết tất cả những kẻ muốn giết ngươi”.
Bách Lý Thanh đáng giận, nhưng là hắn trả thù kẻ địch. Hắn kỳ thực đáng thương vô cùng. Bách Lý Lạc chịu đựng hành hạ, rồi mất trí nhớ, chỉ lưu lại ký ức tươi đẹp hồi nhỏ, về sau thì được mọi người bao bọc kỹ lưỡng. Bách Lý Thanh thì phải nhớ hết mọi ân oán, gồng mình gánh vác cuộc sống của hàng trăm người, trách nhiệm nặng nề. Bách Lý Thanh là người cô độc, là người ích kỷ, là người chỉ biết bản thân và người quan trọng trong tim mình, không màng lê dân bá tánh. Song vì lời hứa với Lam Đại nguyên soái, vì muốn thê tử của mình sống yên bình, hắn không thể không chống đỡ một đất nước mục nát thù trong giặc ngoài. Bách Lý Thanh không phải là một nhân vật nam hoàn mỹ, không phải dạng soái ca CEO thường thấy. Nhưng hắn là người xứng đáng với Tây Lương Mạt nhất, vì hắn hiểu nàng, và hắn yêu nàng thật lòng, yêu một cách thuần khiết. Vì nàng hắn có thể làm mọi thứ. Hắn có thể cắt ống tay áo nàng giữ chặt lúc ngủ. Hắn có thể hy sinh cả con mình do sợ nàng khó sinh. Hắn không màng sống chết, lại không thể không giữ thiên hạ thái bình cho nàng. Hắn trước mặt Tây Lương Mạt và trước mặt người khác thì khá khác biệt, một bên mặt dày vô sỉ, một bên lạnh lẽo.
Bách Lý Thanh ban đầu là chỗ dựa của Tây Lương Mạt. Sau đó thì họ là chỗ dựa của nhau. Tây Lương Mạt là người duy nhất tiến được vào trái tim của hắn. Sự thấu hiểu của nàng luôn đúng lúc đúng chỗ an ủi hắn. Sự dịu dàng ấm áp của nàng là bến bờ an bình sau một ngày mệt mỏi. Hắn thích khống chế, nhưng lại bao dung rộng lượng với nàng, vì hắn biết nàng không bao giờ hại hắn. Hắn thích trói buộc, thích tù cấm, lại thả nàng tung cánh bay cao, tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Trong tình yêu này, Tây Lương Mạt đánh đổi rất nhiều, Bách Lý Thanh cũng nhún nhường rất nhiều. Nhờ vậy, tình yêu này mới bền vững như thạch bàn, trải qua mưa gió gian truân càng chắc chắn hơn.
Kết cục họ thành Hoàng đế và Hoàng hậu là đẹp rồi. Phiên ngoại về sự bất lão bất tử của họ sau hàng trăm năm tuy thỏa mãn được fan của CP này, lại không thực sự cần thiết.
Trong dàn harem ngấp nghé Tây Lương Mạt thì ngoài Chu Vân Sinh và Bách Lý Hách Vân thì tôi chẳng thích nổi ai. Dàn phụ còn lại thì chỉ có đám nha hoàn của Tây Lương Mạt là Bạch Trân, Bạch Nhụy, Bạch Ngọc….cùng ám vệ của Bách Lý Thanh là Mị Thất, Mị Lục,…. và Lam quỷ quân với đám Bách Lý Lạc, Lão Y Chính…. là có cảm tình. Ngoài ra tôi không ghét cay ghét đắng thì cũng khó chịu ức chế.
Bàn về đám “thầm thương trộm nhớ” Tây Lương Mạt trước. Trong số Tư Lưu Phong, Tư Thừa Kiền, Tây Lương Tĩnh, Bách Lý Hách Vân, Chu Vân Sinh, Bách Lý Tố Nhi, Tây Lương Nguyệt, có mỗi Chu Vân Sinh là nguyện ý chúc phúc cho Tây Lương Mạt. Cách yêu của Chu Vân Sinh là cách yêu đúng đắn, nhìn người mình yêu hạnh phúc chính là niềm vui của mình. Chu Vân Sinh chỉ âm thầm quan tâm chăm sóc Tây Lương Mạt, hoàn toàn không có ý chia rẽ nàng và Bách Lý Thanh. Khi Bách Lý Thanh đồng ý giữ mẹ bỏ con, Chu Vân Sinh còn mỉm cười đồng tình. Chu Vân Sinh mới đúng là nam phụ si tình đáng tiếc trong ngôn tình. Khi Tây Lương Mạt chán nản muốn chết lúc sinh con, Chu Vân Sinh đã cố dùng lời nói vực nàng dậy, trái tim chua xót. Nàng muốn Bách Lý Thanh mà không có, hắn cũng cầu không được. Chu Vân Sinh cô độc cả đời, cống hiến bản thân cho Phi Vũ Quỷ Vệ và Tây Lương Mạt. Lần đầu tiên gặp gỡ, Chu Vân Sinh ám hại nàng, muốn giết nàng, hẳn là chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ trao trọn thời gian cả đời cho nàng.
…”Hai đứa nhỏ này đều không dễ lừa gạt, cho nên ta nghĩ sau này nhờ ngươi quan tâm giúp”.
Chu Vân Sinh thâm trầm nhìn Tây Lương Mạt chốc lát, bỗng nhiên vươn tay vén những sợi tóc rủ trên mặt nàng, dịu dàng nói: “Ừ, ngài hãy yên tâm, ta sẽ thực hiện bằng cả tính mạng của ta, bảo trọng.”
Nuối tiếc thứ hai chính là Bách Lý Hách Vân, thái tử Tây Địch, sau này thành Hoàng đế Tây Địch. Bách Lý Hách Vân được miêu tả là người duy nhất có thể đứng ngang hàng với Bách Lý Thanh. Dù rằng y là phe địch, đối nghịch Thiên triều của Tây Lương Mạt, lại bắt cóc Bách Lý Thanh và xóa trí nhớ của hắn, tôi vẫn rất thích y. Nổi bật nhất ở y là khí chất của một minh quân, luôn đường hoàng rõ ràng. Y có tâm cơ thâm trầm, lại ít khi sử dụng ám khí bẫy rập. Lần y đặt cấm chế để Tây Lương Mạt đâm Bách Lý Thanh, y day dứt khôn nguôi. Y vì đất nước, vì trách nhiệm, phải tính kế người mình thích, mặc cho việc sau đó nàng sẽ hận y cỡ nào. Y cho rằng y cô phụ một mình nàng, nên đánh đổi bằng thánh chỉ truyền ngôi. Kỳ thực y chưa từng trực tiếp tổn thương Tây Lương Mạt, chưa từng muốn giết nàng, mà ngược lại, còn bảo vệ nàng trước Minh Hiếu Thái hậu. Ở y luôn có sự cô độc trống trải. Có lẽ do bệnh nan y bẩm sinh khiến y biết trước mình sống không lâu, nên y như sẵn sàng nói những lời trăng trối vậy. Y có mẫu thân, có huynh đệ, lại chẳng thể dựa dẫm hay tìm kiếm hơi ấm từ ai. Có lẽ những cuộc tâm sự thẳng thắn với Tây Lương Mạt là lúc y thoải mái nhất. Y thích tuyết phương Bắc, thích nhìn mai trong tuyết. Tây Lương Mạt thì tựa như mai, đẹp đẽ mà xa xôi không thể với tới. Kết cục của Bách Lý Hách Vân không phải là cái chết, mà là sự cô độc mãi mãi. Y có được tự do hằng mong ước, lại phải một mình cho đến khi cuộc đời ngắn ngủi của y kết thúc.
Tây Lương Tĩnh thì là một người tôi từng thích, cho đến khi hắn dính dáng đến Trinh Nguyên Công chúa. Tây Lương Tĩnh là huynh trưởng cùng cha khác mẹ của Tây Lương Mạt, nhưng lại nhất kiến chung tình với nàng bởi ban đầu nàng cố tình giấu thân phận. Một cuộc gặp mặt định sẵn cả đời dằn vặt đau khổ. Tây Lương Tĩnh là một nam nhân phong kiến đúng chuẩn mực thời bấy giờ, cho nên phủ Tĩnh Quốc công luôn là ưu tiên đầu tiên. Đó là lý do hắn luôn uy hiếp Tây Lương Mạt không được đụng vào phụ thân và gia tộc. Hắn đã cực kỳ giận dữ khi biết nàng dính líu đến cái chết của mẫu thân và hai muội muội ruột. Hắn đến chất vấn nàng, song chính bản thân hắn hiểu được nàng chỉ trả lại những thứ nàng từng phải chịu. Nếu khi nhỏ hắn chịu đứng ra bảo vệ nàng thì đã không đến nỗi, tiếc là khi nhỏ hắn đâu từng để ý đến đứa em gái nhỏ gầy hay bị bắt nạt ấy. Tây Lương Tĩnh cũng không thể ra tay giết nàng để báo thù được, dường như hắn vẫn luôn áy náy hối lỗi với mẫu thân và muội muội vì điều đó. Tây Lương Tĩnh có sự chính nghĩa và mạnh mẽ của một tướng quân, mặc dù bản lĩnh không bằng phụ thân mình. Đó là ưu điểm, cũng là khuyết điểm. Nó khiến Tây Lương Tĩnh trở thành một người nhân phẩm không tệ, nhưng nó lại chứng tỏ sự thiếu nhanh nhạy và quyết đoán của hắn. Nhìn Tây Lương Tĩnh bị Trinh Nguyên Công chúa xoay vòng quanh, tôi rất bực mình. Hắn không yêu nàng ta, cũng không nên càng ngày dính càng sâu như vậy. Nhất là việc lên giường còn gọi tên Tây Lương Mạt, như sỉ nhục tình cảm của hắn với nàng vậy (dù có lẽ hắn chẳng hiểu được đâu). Và vì hắn nằm nghỉ sau khi “mây mưa” với Trinh Nguyên Công chúa, hắn không kịp ngăn cản cái chết của cha mình. Nực cười biết bao. Tây Lương Tĩnh dùng ba năm thời gian đuổi giết Trinh Nguyên Công chúa để làm giảm sự ân hận, giận dữ, điên cuồng trong lòng. Đổi lại là sự thật Trinh Nguyên đã chết từ ba năm trước, dưới một mũi tên của hắn. Trước khi chết, hình như hắn vẫn chưa biết Trinh Nguyên lừa hắn vụ có thai, chỉ biết nàng ta lập bẫy dụ hắn sa vào. Và việc duy nhất Tây Lương Tĩnh có thể làm là kéo Phương Quan cùng chết. Phải thừa nhận Tây Lương Tĩnh sống rất thất bại. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến việc tình cảm cấm kỵ của hắn bị Tây Lương Mạt mỉa mai, tôi không kìm được thở dài. Rõ ràng là nàng cố ý quyến rũ hắn, sau đó lại chính nàng phủ định tình cảm đó. Có thể đó không phải yêu, song nó là chấp niệm cả đời không xóa nổi. Hắn đã bao lần cầu xin nàng ra gặp hắn? Vô số. Khi hắn ngã xuống, hắn đã than đời này khổ quá, và hắn hy vọng kiếp sau không khổ như vậy. Tức là hắn cầu kiếp sau không gặp lại, bởi mọi đau khổ của hắn gần như đều xuất phát từ nàng. Thê lương làm sao.
Nhân vật Tư Thừa Kiền thì mang lại một cảm xúc khá mâu thuẫn. Tình cảm của y với Tây Lương Mạt điên cuồng và cố chấp. Nó là tổ hợp từ mê luyến vẻ ngoài đến quyền lực nàng có cùng quỷ quân Lam gia của nàng. Tây Lương Mạt khác những nữ tử khác, ngay từ đầu Tư Thừa Kiền đã nhận ra điều đó. Và in sâu trong trí nhớ của y là lần nàng cứu y dưới vực (nàng sợ đắc tội Thái tử), là nhìn trộm nàng tắm qua khe đá, là nàng xé váy buộc tóc, cướp cung tên của hộ vệ, lao vào rừng trả thù cho Tư Hàm Ngọc. Tư Thừa Kiền là người hiếm hoi nhìn thấy bộ mặt thật của nàng kể cả khi nàng chưa bóc mặt nạ. Mặc dù vậy, sự dây dưa giữa y và Thái Bình trưởng công chúa làm tôi vừa mệt mỏi vừa chán ngán. Thái Bình trưởng công chúa dụ dỗ cháu trai mình lên giường, sau đó là mấy chục năm yêu hận. Nàng ta hủy hết những thai nhi nhỏ bé vì ghen tỵ, nàng ta ép Tư Thừa Kiền lên giường với mình. Tư Thừa Kiền thì lại không phản kháng nàng ta. Một phần do khá hòa hợp giường chiếu, một phần vì danh vọng của trưởng công chúa. Tình cảm của Tư Thừa Kiền với Thái Bình tôi không cho là tình yêu. Tôi thấy nó giống thói quen kết hợp với dựa dẫm ỷ lại hơn. Hơi giống tình cảm dành cho Tây Lương Mạt. Có điều Tây Lương Mạt là cầu mà không được, Thái Bình là luôn sẵn sàng lao vào. Có cảm tưởng trong lòng Tư Thừa Kiền, Thái Bình kém hơn Tây Lương Mạt một chút. Tây Lương Mạt thì hiểu rõ cái gọi là tình yêu của vị Thái tử này nên khinh thường vô cùng. Nàng chống đối y, ngang ngạnh với y, chưa từng cho y sắc mặt tốt. Vậy mà y vẫn tâm tâm niệm niệm nàng, còn cầu xin tha mạng cho nàng khi nàng bị bọn họ bắt. Kết thúc của Tư Thừa Kiền coi như là viên mãn đi, nhìn thấu hồng trần, vô hỉ vô bi, trở thành Vô Minh đại sư bình tĩnh đạm mạc.
Tư Lưu Phong là kẻ xuất hiện ngay từ đầu, vị hôn phu của Tây Lương Đan. Tư Lưu Phong được ca ngợi là một công tử thanh cao, dịu dàng, tốt đẹp. Ấy vậy mà ai ngờ sau này hắn biến thành người tôi ghét nhất dàn harem của Tây Lương Mạt. Ban đầu tôi cũng thích Tư Lưu Phong lắm, còn cảm thấy Tây Lương Mạt “lăn lộn” với Bách Lý Thanh trong đêm động phòng là hơi quá đáng. Nhưng rồi Cẩm Nương, Tĩnh Vũ xuất hiện, tôi tức ói máu. Hóa ra tiểu Đức vương gia chỉ là một nam nhân cổ đại thuần túy tam thê tứ thiếp, không rõ phải trái. Tây Lương Mạt phải đóng giả làm một thê tử hiểu chuyện, dịu ngoan, khiến Tư Lưu Phong thương xót. Lúc này hắn chưa có cảm tình gì nhiều với nàng đâu, chỉ là tương kính như tân và hài lòng với sự hiền lành thục nữ cùng vẻ ngoài đẹp đẽ của nàng mà thôi. Kỳ thực Tư Lưu Phong chưa bao giờ hiểu Tây Lương Mạt. Hắn không thật lòng, nên nàng chẳng thật dạ. Hai người khoác hai lớp mặt nạ đến bên nhau thì yêu thế nào được. Việc hắn không trả thù cho Tư Hàm Ngọc mà chọn bảo hộ cho Tư Hàm Hương vì tư tâm bản thân là giọt nước tràn ly. Tây Lương Mạt không có tâm tư lá mặt lá trái nữa nên xé rách luôn. Sớm muộn gì cũng phải thế. Tư Lưu Phong là giáo hoàng của Thiên Lý giáo, nữ nhân cả đám, song hắn vẫn nhớ Tây Lương Mạt. Tạo nên cái nỗi nhớ ấy là sự đố kỵ, ghen tỵ với người có được nàng, chút chua xót cay cay, và cả không cam lòng. Hắn không cam lòng trước việc đại nghiệp bị hủy bởi một nữ nhân. Hắn không cam lòng bị “đá”. Tính kỹ thì chẳng có bao nhiêu yêu. Cho nên Tư Lưu Phong chết thảm bởi chính những nữ nhân mình chơi đùa xoay quanh, tôi chẳng thấy thương cảm mấy, còn thấy đáng đời.
Bách Lý Tố Nhi đối với Tây Lương Mạt không phải là yêu. Nàng giống như mối tình đầu, cơn cảm nắng thoáng qua của cậu hơn. Cậu ngưỡng mộ sự oai hùng của nàng, sự dịu dàng và ấm áp nàng mang lại. Bách Lý Tố Nhi là thiên chi kiêu tử được cưng chiều từ nhỏ, ngây thơ đơn thuần. Cậu không nhìn ra tính cách thật của Tây Lương Mạt, cậu không nhận thấy sự nghiêm trọng giữa thân phận cậu và Tây Lương Mạt. Bách Lý Tố Nhi có phần hơi vô dụng nhưng cậu luôn cố gắng bảo vệ Tây Lương Mạt trong khả năng của mình. Ở hoàng cung Tây Địch, vì quá lo lắng cho nàng, cậu đã lao ra ngoài, lọt vào bẫy của Tây Lương Mạt dùng để dụ Bách Lý Hách Vân. Bách Lý Tố Nhi bị ép trưởng thành gấp rút. Cuộc sống màu hồng bị bóp vỡ bởi chính nữ nhân mình có cảm tình. Không phải lỗi của Tây Lương Mạt, Bách Lý Tố Nhi cũng chẳng sai. Tuy vậy, hình bóng lạc lõng cùng mâu thuẫn và phức tạp trong mắt cậu khiến tôi thở dài.
Tây Lương Nguyệt là gây ngạc nhiên nhất, không thể ngờ là lại có mối tình bách hợp với tỷ tỷ mình. Chỉ có thoáng qua vài chi tiết, nhưng việc Tây Lương Nguyệt nguyện gả cho người Nhung vì Tây Lương Mạt khiến tôi thổn thức không thôi. Hẳn là nàng ta cũng yêu Tây Lương Mạt lắm, yêu bất chấp cả bản thân. Tiếc là Tây Lương Mạt mãi mãi không biết.
“Nam nhân không có ai tốt. Nếu hắn phụ đại tỷ tỷ, ta nhất định dùng toàn lực của cuộc đời này, đánh đổi tính mạng cũng muốn khiến hắn trả giá đại giới. Ta lấy danh nghĩa của vương phi được sủng ái nhất của Khuyển Nhung vương thề.”
Nói thật, phân tích ra hết tôi mới thấy Tây Lương Mạt tựa như bạch nguyệt quang, hoàn mỹ và rực rỡ. Nàng khác biệt, phá đổ mọi định kiến về nữ tử ở thời cổ đại, nhưng làm người ta bị hấp dẫn bởi chính những khác biệt đó. Nàng khiến người ta mê đắm khó quên, bỏ qua cả những người ngay bên cạnh mình. Có lẽ đúng như Bách Lý Lạc nói, nàng mang mạng Sát Phá Lang, nếu không phải có Bách Lý Thanh thì nàng đã một mình giảo thế giới này long trời lở đất.
Những nhân vật phụ khác, nhất là nhóm nha hoàn của Tây Lương Mạt, đặc biệt ấn tượng, căn bản bởi họ là CP phụ có đất diễn không ít, và đều khá gian truân. Bạch Nhụy x Mị Thất mâu thuẫn sớm nhất, lại HE sớm nhất. Mị Thất là sát thủ, không hiểu tình cảm, EQ vô cùng thấp. Mị Thất dùng kế sách thường dùng trên kỹ nữ thanh lâu, vừa như kiểu khoe khoang sự phong lưu hào hoa của mình, vừa hơi sỉ nhục Bạch Nhụy (dù không cố ý). Ban đầu tôi khó chịu với Mị Thất lắm, còn trách Bạch Nhụy dễ bị lời ngon tiếng ngọt lừa quá. Về sau Mị Thất cố gắng thật lòng với nàng nên có gỡ gạc được một ít. CP Bạch Ngọc x Mị Lục ngược hơn. Mị Lục là một sát thủ có vỏ bọc của cậu-em-nhà-bên ngọt ngào, nhu thuận. Mị Lục giả vờ yếu đuối ngây thơ trước Bạch Ngọc là vì thấy thú vị, muốn trêu đùa. Không ngờ Mị Lục đưa cả mình vào, đến lúc Bạch Ngọc rành mạch mọi việc, kiên quyết chấm dứt, mới phát hiện ra mình sai quá sai rồi. Mị Lục lừa Bạch Ngọc, giẫm lên tấm chân tình của nàng. Hắn phải tìm cách cứu vãn mối quan hệ của họ. Tiếc là Bạch Ngọc bị người cường, hận thù, giận dữ, tuyệt vọng ăn mòn con người nàng. Nàng từ bỏ thân phận sang Tây Địch. Gặp lại Mị Lục, trở ngại giữa họ vẫn còn. Mị Lục phải để lộ bộ mặt thật nhất của mình rồi dùng cách giả chết mới có thể làm nàng thừa nhận tình cảm của họ. Bạch Ngọc từng mang thai đứa con của Mị Lục, song nàng sảy thai thì phải. Tôi nhớ rằng tác giả lướt qua cái thai đó, không nhắc gì mấy.
So ra thì tình tay ba Bạch Khởi x Bạch Trân x Chuẩn Sát cẩu huyết nhất trong cả truyện. Chuẩn Sát ban đầu “chấm” Tây Lương Mạt vì khả năng của nàng rất xứng đôi với đầu lĩnh sói hoang là hắn. Sau đó hắn bị thu hút bởi Bạch Trân mạnh mẽ cứng rắn. Tôi nghĩ Chuẩn Sát hẳn có máu M đi, thế nên mới thích kiểu cường ngạnh chứ. Mà quá trình chinh phục một nữ nhân như vậy chắc có thú lắm. Chỉ là hắn không biết mình yêu nàng. Khi hắn kiên trì chọn Bạch Trân hòa thân, tôi đã thấy tình cảm của hắn với nàng có vấn đề. Rõ ràng nó không phải là trả thù Bạch Trân, uy hiếp Tây Lương Mạt…như mọi người vẫn tưởng. Sau đó, Chuẩn Sát hứa sẽ không gây chiến tranh trong 10 năm. Và quả thật, trong 10 năm đó, Chuẩn Sát yêu thương bảo vệ Bạch Trân vô cùng. Nàng cũng đã nhìn ra chân tâm của hắn. Cho đến khi hắn chết vì đỡ tên cho nàng, hắn chưa từng nuốt lời. Hắn yêu nàng rất nhiều, yêu thật sự, dù hắn biết rõ nàng không yêu hắn. Bạch Trân có yêu Chuẩn Sát không? Theo tôi thì 10 năm bên nhau không có yêu cũng có cảm tình, nói chi đến việc hắn là phụ thân của con nàng, và sủng ái chiều chuộng nàng. Tuy nhiên, cái chết của cha mẹ, sự quan trọng của Tây Lương Mạt và Thiên Triều, cùng Bạch Khởi, mối tình chưa bắt đầu đã chết trong trứng nước, đều nhắc nhở rằng nàng không thể yêu hắn. Bạch Trân là một người lý trí, nàng sẽ không yêu hắn, tựa như nàng từng rung động vì Bạch Khởi. Nàng cảm động trước những điều Chuẩn Sát làm cho nàng, cái chết của hắn khiến hắn vĩnh viễn khắc ghi trong ký ức nàng, dù thế, nó vẫn chẳng là yêu. Trách nhiệm tương lai của Bạch Trân sẽ là nuôi con trai lớn khôn. Theo tôi thì nàng và Bạch Khởi sẽ không quay lại được nữa. Bạch Khởi luôn chờ đợi nàng, nàng nhớ Bạch Khởi, nhưng giữa họ là đứa trẻ con trai Chuẩn Sát, là 10 năm thời gian xa cách, là thân phận địa vị khác biệt. Khả năng Bạch Trân đồng ý tái giá với Bạch Khởi là khá nhỏ. Song dù sao đi nữa, họ đã có thể ở gần nhau hơn, nhìn thấy đối phương dễ dàng hơn, có lẽ điều này đã tốt hơn khoảng thời gian 10 năm bặt vô âm tín rồi.
Những nhân vật phụ khác thì đều để lại chút gì đó đáng nhớ. Thí dụ như Tĩnh quốc công, người mà tôi thấy tồi tệ không khác gì Hoàng đế, hai mặt, vô liêm sỉ, xấu xa, độc đoán… Tĩnh quốc công yêu Lam Linh, lại lùi bước vì hoàng quyền. Ông ta là nguyên nhân bà thành ni cô, nhưng chính ông ta lại lấy thiếp thất, có con cháu đầy đàn, sống vui sướng, gần như quên mất người từng yêu sâu đậm. Ông ta nghi ngờ Tây Lương Mạt không phải con của mình, bỏ mặc nàng tự sinh tự diệt hơn chục năm, rồi khi biết sự thật thì ngoài chút áy náy rẻ tiền, ông ta chẳng cho nàng thêm được cái gì. May là Tây Lương Mạt không phải con ruột của ông ta, không thì đã tức chết từ sớm.
Lam Linh phu nhân thì là một ví dụ của việc tai họa lưu ngàn năm. Bà ta tự coi mình là thông minh, cứ tùy hứng và ngây thơ, gây họa cho vô số người xung quanh. Khi biến mất tăm hay khi chết đều có thể mang đến vô số phiền phức cho Tây Lương Mạt. Mấy cái lý lẽ gì gì về việc bỏ mặc con gái là để bảo vệ con, làm tôi thấy nực cười cực kỳ. Mấy câu bình luận của Tây Lương Mạt về người mẹ này quá đúng. Tôi thấy Lam Linh ngoài tình yêu thì trong mắt chẳng có cái gì. Vì tình yêu, vì một người đàn ông bội bạc mà hủy Lam gia, hủy cuộc đời mình, rồi phản bội cả hai người em trai nuôi có cảm tình với mình nữa. Lam Linh giỏi tìm rắc rối, lại không biết giải quyết hợp lý, thật vô dụng! Không hiểu rõ tình hình, không hiểu được đàn ông, nghĩ mình vẫn là cô công chúa kiêu ngạo được sủng ái, tự tôn ngu xuẩn thừa thãi… So sánh bà ta với Tây Lương Mạt thật là hạ thấp Tây Lương Mạt mà.
Lão Hoàng đế thì không nói, ti bỉ tiểu nhân. Cái trò nạp Tây Lương Mạt làm phi là thứ vớ vẩn nhất, may là ông ta chết sớm. Phương Quan vừa tự cho mình là thông minh, vừa kiêu ngạo không ai bằng. Không ngờ bị Bách Lý Thanh cắt đứt gân mạch mà vẫn sống sót, mãi đến khi muốn độc chết Tây Lương Tĩnh mới bị giết, sống dai như “tiểu cường” vậy. Trinh Nguyên công chúa khá giống Phương Quan, luôn nghĩ mình thông minh, ai ngờ chỉ như tên hề nhảy nhót trước mặt người khác. Trinh Nguyên công chúa số phận long đong, mơ ước nam nhân quyền thế để bảo vệ nàng ta, việc này không sai, còn có điểm đáng thương. Nhưng nàng ta không an phận, gây hết rắc rối này đến rắc rối khác, còn kéo cả Tây Lương Tĩnh vào. Nàng ta chẳng yêu Tây Lương Tĩnh mấy, cùng lắm là sự quyến luyến ỷ lại dành cho người có được lần đầu tiên của mình, rồi là vai trò bạn giường. Với Bách Lý Thanh thì gọi là yêu cũng không xác đáng lắm, gần như là mến mộ thôi, mẫu đàn ông lý tưởng mong ước bấy lâu mà. Tôi thì thấy Trinh Nguyên công chúa không xứng để so sánh với Tây Lương Mạt. Chẳng phải tôi thiên vị nữ chính đâu (dù thật là có một ít), mà từ cách hành xử suy nghĩ đã chứng tỏ rõ sự chênh lệch rồi.
Thái Bình đại trưởng công chúa là một trong số nữ nhân điên vì tình trong truyện. Nàng ta vừa đáng thương vừa đáng trách. Cái chết cũng quá lãng nhách, sau đó thì ngoài Tây Lương Mạt và Tư Thừa Kiều thi thoảng nhớ tới, chẳng còn ai nhắc đến nữa. Tôi không quá hiểu tình cảm Thái Bình dành cho Tư Thừa Kiền, nó quá cố chấp, quá điên cuồng, quá mệt mỏi và phiền phức, nhưng không phủ nhận Thái Bình hy sinh và trả giá nhiều cho mối quan hệ này. Đến cuối, liệu nàng có từng hối hận? Tôi nghĩ hẳn là không đi. Về phần Bách Lý Lạc, anh trai của Bách Lý Thanh, tôi không nhiều cảm tình, song cũng không ghét bỏ. Tôi chỉ thấy Bách Lý Lạc không thật. Nếu hắn là cao nhân nhìn thấu hồng trần rồi thì khác, đằng này hắn vẫn giữ tình yêu thầm bị lợi dụng, vẫn giữ ký ức tối tăm, lại lựa chọn tha thứ cho tất cả, sống nhẹ nhàng khoan khoái một cách kỳ lạ. Coi Bách Lý Lạc là thánh phụ cũng chẳng sai.
Truyện có lớp lang, có nội dung thu hút. Đánh mặt rất đã. Âm mưu lồng ghép cẩn thận. Hành văn trôi chảy. Nhân vật phản diện không hoàn toàn là não tàn, nên có thể nổi bật sự thông minh của nam nữ chính. Dàn chính hay phụ đều có nét ấn tượng riêng. Tuy Tây Lương Mạt được buff cao, nhưng cách thể hiện hợp lý không quá đà. Đoạn gần cuối có phần hơi gấp rút, như kiểu không muốn dài dòng quá mà mong chấm dứt luôn ấy. Dù vậy, tổng thể xử lý vẫn ổn thỏa. Nói chung truyện khá đáng đọc.
Nhận xét
Đăng nhận xét